Skip to Content

Cẩn trọng, cảnh giác với bánh, kẹo “lạ” và đồ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang bán tràn lan trên mạng xã hội và ngoài cổng trường.

10/04/2024 09:25    337

Liên tiếp những vụ việc được nghi là do ngộ độc do ăn kẹo “lạ”, không rõ nguồn gốc được bày bán gần cổng trường một lần nữa dấy lên lo ngại về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại môi trường học đường.

 

Kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứThời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện những thông tin về tình trạng học sinh nghi bị ngộ độc do ăn kẹo, bánh lạ không rõ nguồn gốc xuất xứ từ những tiệm tạp hoá gần cổng trường. Sáng 28/3/2024, tại trường THCS và TH Hành Tín Tây, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận nhiều học sinh có các triệu chứng: lơ mơ, tê đầu lưỡi, tê môi nhẹ, buồn ngủ, một số em có thêm triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đau đầu.

Ngay sau khi nhận thông tin có vụ việc xảy ra tại Trường THCS và TH Hành Tín Tây nghi do ngộ độc thực phẩm, các cơ quan chức năng của tỉnh đã hỗ trợ địa phương điều tra, xử lý vụ việc nêu trên. Qua điều tra, kẹo học sinh mua tại quầy hàng trước cổng trường và mua online là cùng một loại mẫu mã, đây là một loại kẹo không rõ nguồn gốc được người bán mua về tại chợ Quảng Ngãi. Sau khi điều tra các triệu chứng của học sinh có sử dụng kẹo, có thể xác định đây không phải là vụ ngộ độc thực phẩm, nghi ngờ kẹo có chứa tiền chất.

Ngay khi nắm bắt tình hình, UBND xã Tịnh Long đã chỉ đạo Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm xã triển khai thực hiện ngay việc kiểm tra đột xuất tại các quày bán bánh kẹo gần khu vực Trường THCS và TH Trần Văn Trà và các tiệm tạp hóa trên địa bàn xã. Qua kiểm tra, Đoàn đã lập biên bản, thu giữ và tiêu hủy 830 viên kẹo (giống với kẹo tại vụ việc ở xã Hành Tín Tây) và xúc xích các loại không rõ nguồn gốc, ngày sản xuất trên sản phẩm.

Ban chỉ đạo VSATTP xã lập biên bản và thu giữ các sản phẩm,hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhà trường cũng đã có những động thái để cảnh báo cho học sinh, chủ động tuyên truyền tới các bậc phụ huynh cảnh giác với loại kẹo này, quán triệt với học sinh không được mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc với chất lượng không đảm bảo có thể không gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm ngay nhưng về lâu dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mà chúng ta ít ngờ tới. Sau những vụ việc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra gần đây, hầu hết những loại kẹo lạ đã không còn trên quầy hàng của các cửa hàng tạp hoá nữa, tuy nhiên, chúng vẫn còn được rao bán trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hoặc được một số tiểu thương trà trộn, để chung với những món hàng khác.

 

Xúc xích không có phụ đề Tiếng Việt, không rõ nguồn gốc

Nhiều phụ huynh học sinh bày tỏ sự quan ngại về vấn đề này, mặc dù phụ huynh thường xuyên dặn con không được tuỳ tiện mua những đồ quà bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán ở trước cổng trường nhưng thực tế con có tiếp cận đến những sản phẩm đó hay không thì phụ huynh không thể chắc chắn. Bên cạnh đó, những mặt hàng được bày bán ở gần cổng trường học có bề ngoài bắt mắt, nhiều màu sắc, có những món hàng còn có đồ chơi đính kèm, nên kích thích sự tò mò của các em học sinh.

Do vậy, để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các gia đình nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong giờ nghỉ, cha mẹ tuyệt đối không cho tiền con mua đồ ăn vặt tại trường. Hạn chế ăn vặt đối với trẻ, nhắc nhở trẻ ăn những loại đồ ăn rõ nguồn gốc, không ăn, uống thực phẩm lạ ngoài khu vực trường học.

Trường hợp trẻ ăn phải các loại kẹo lạ, xuất hiện dấu hiệu hưng phấn, kích thích, đau đầu hay buồn nôn, thầy cô giáo và bố mẹ cần đưa ngay trẻ tới các cơ sơ y tế. Khi trẻ mang các sản phẩm kẹo lạ về nhà, cha mẹ cần quan sát, không nên để trẻ ăn. Nếu trẻ đã ăn phải kẹo lạ, cha mẹ nên theo dõi sát biểu hiện của con. “Thông thường, nếu thực phẩm có vấn đề, trẻ sẽ có phản ứng, triệu chứng biểu hiện sau 15 đến 30 phút ăn. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, hoặc những biểu hiện kích thích, mệt mỏi, khó thở, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ xử lý”- TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.

Ở góc độ chuyên gia dinh dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viên Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh ATTP. Việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm…Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh ATTP sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thế và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…

Số liệu từ Cục ATTP, Bộ Y tế cho thấy, có tới 70-80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli, gây ra tiêu chảy, bệnh đường ruột…

Chính vì vậy, để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ cần sự vào cuộc của địa phương và các lực lượng chức năng, mà còn rất cần sự chung sức của cả cộng đồng./.

Nguyễn Thị Thu Thanh

tai-lieu-dinh-kem: Cẩn trọng, cảnh giác với bánh, kẹo lạ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang bán tràn lan trên mạng xã hội và ngoài cổng trường.doc